Thay đổi ‘khẩu vị’ đầu tư đất Quảng Ninh 2022, shophouse ế ẩm, nhà đầu tư tháo chạy

Shophouse ế ẩm, nhà đầu tư tháo chạy, những lô đất chưa được đấu giá ở Thủ Thiêm sẽ ra sao sau vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, phân khúc nào hút tiền nhà đầu tư ở Quảng Ninh trong năm 2022?… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Shophouse ế ẩm

Cùng với sự phát triển của các dự án nhà ở, khu đô thị, loại hình shophouse, nhà phố liền kề từng trở thành phân khúc được các nhà đầu tư săn đón, nhất là thời điểm “nở rộ” trên thị trường BĐS hồi năm 2015 với giá bán và giá cho thuê cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, giữa đại dịch Covid-19, shophouse rơi vào tình cảnh ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã giảm từ 50 – 60% giá cho thuê nhưng vẫn không có khách hàng.

Thực trạng vừa nêu cũng chính là tình cảnh đang hiện hữu tại khu đô thị ở hai bên đường Lê Trọng Tấn, thuộc địa phận huyện Hoài Đức và quận Hà Đông (Hà Nội).

Chỉ cần dạo một vòng có thể thấy hầu hết các dãy shophouse mới ở đây đều đóng cửa, treo biển cho thuê cả năm hay vài năm nhưng không có người thuê nên trở thành nơi đỗ taxi, xe tải. Một số khu vực có người thuê shophouse để kinh doanh nhưng mật độ nhìn chung thưa vắng.

Cũng tại Hà Nội, la liệt shophouse ở quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng lâm vào tình cảnh bụi bám đầy sàn, cửa đóng then cài, biển cho thuê, sang nhượng lại đã bạc màu mà vẫn chưa ai đến gõ cửa hỏi thuê, mua.

Ở TP. HCM, phân khúc shophouse cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm không kém vì chỉ cần dạo quanh các khu căn hộ ở quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 2, quận 4, Phú Nhuận,… sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các dãy shophouse luôn đóng cửa, không có người thuê, mua.

Khảo sát cho thấy, giá cho thuê shophouse ở các địa điểm vừa nêu đã giảm từ 40 – 60% so với vài năm trước, dao động trong khoảng 15 – 35 triệu đồng/m2 tùy vị trí, diện tích nhưng lượng khách đến hỏi thuê, mua thì ngày càng thưa vắng.

Theo báo cáo quý III/2021 của Savills thì phân khúc nhà phố, liền kề, shophouse của các dự án với giá chào bán cao có lượng giao dịch khá èo uột. Trong đó các căn có giá sơ cấp dưới 5.000 USD/m2 (115 triệu đồng) chiếm tới 51% lượng giao dịch còn số căn có giá bán từ 5.000 – 7.500 USD/m2 (115-172 triệu đồng/m2) chiếm 31% và các căn có giá trên 7.500 USD/m2 chỉ chiếm 18% lượng giao dịch.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng thị trường shophouse chỉ thật sự hấp dẫn, có giá khi thị trường tốt, dự án tốt và khả năng lấp đầy nhanh; kèm với đó là các tiện ích dịch vụ tốt, cư dân trong nội khu đủ đông và có sự kết nối tốt với cộng đồng cư dân bên ngoài. Tuy nhiên, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng shophouse chỉ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn vì dòng sản phẩm này thuộc dạng mua rồi để đó.

Tình trạng ế ẩm khiến giá thứ cấp đang có hiện tượng “cắt lỗ”. Việc dịch bệnh ập đến khiến khách hàng liên tiếp trả lại mặt bằng vì không thể kinh doanh, khiến nhà đầu tư phải “còng lưng” mà “gánh lãi mẹ đến lãi con” của ngân hàng. Do đó, việc bán “cắt lỗ” để giảm gánh nặng tài chính là điều tất yếu, nhất là dịp năm hết, Tết đến như hiện nay.

Khẩu vị của giới đầu tư BĐS tại Quảng Ninh 2022

Sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã thay đổi “khẩu vị” của giới đầu tư đối với thị trường BĐS tại Quảng Ninh.

Thay vì lựa chọn những sản phẩm gắn liền với du lịch, nghỉ dưỡng như condotel đắt đỏ, nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý tới loại hình đất nền, khu đô thị, hướng tới sản phẩm có sổ đỏ lâu dài, vừa ở, vừa đầu tư, vừa “tích sản” với tầm nhìn dài hạn.

Trong đó, những khu đô thị được quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ đến từ các chủ đầu tư uy tín nhận được quan tâm nhiều nhất bởi giá vốn phải chăng, lại đáp ứng được “khẩu vị kép”, vừa cư trú an toàn, vừa đầu tư bền vững.

Dưới góc độ đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với tâm lý “ăn chắc mặc bền”, nhu cầu mua đất nền sở hữu pháp lý rõ ràng làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao.

Vì vậy, theo ông Đính, trong quý I và II/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Sẽ tổ chức đấu giá lại các lô đất ở Thủ Thiêm?

Bình luận về vụ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc gây xôn xao dư luận tuần qua, chuyên gia cho rằng khả năng TP.HCM sẽ tổ chức đấu giá lại lô đất là rất cao.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn nói, việc giá đất trúng đấu giá quá cao hay việc doanh nghiệp xin bỏ cọc gây ầm ĩ dư luận đều sẽ tạo áp lực lên lô đất vừa bị xin bỏ cọc (lô 3-12) khi đem đấu lại và các lô đất chưa đấu ở Thủ Thiêm.

Hiện cũng chưa có quy định nào liên quan đến việc xác định mức giá trần cho các phiên đấu giá bằng hình thức trả giá nên cơ quan chức năng cũng không thể “khống chế” giá đất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho rằng, giá đất trúng đấu giá Thủ Thiêm quá cao có thể “gây khó” cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn thành phố, đồng thời “gây khó” cho cán bộ công chức tham gia trực tiếp công tác xác định tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại.

Ông Châu cho biết, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá, trong đó có 6 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1 bao gồm 2 lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và lô 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, thành phố còn đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo chuyên gia, công tác xác định “giá đất cụ thể” để tính “giá khởi điểm đấu giá” hoặc để tính “tiền sử dụng đất” thì giá đất trúng đấu giá lại là một trong các căn cứ tham chiếu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013.

Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất…

Còn trong trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin thì có thể thu thập thông tin tại khu vực lân cận với khu vực có thửa đất cần định giá.

Do vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, ầm ĩ trong đấu giá đất vừa qua có thể làm cho cán bộ công chức “ngán ngại”, có thể làm cản trở việc tính “giá khởi điểm đấu giá” hoặc làm chậm thêm việc tính “tiền sử dụng đất” dự án BĐS, nhà ở thương mại.

Cận cảnh khu đất Tân Hoàng Minh trúng đấu giá ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây mới 6 chung cư cũ

Ngày 17/1, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, đã có báo cáo giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở gửi UBND Thành phố. Đáng chú ý, báo cáo đề cập TP. HCM sẽ xây mới 6 chung cư cũ trong năm 2022, trong đó có 2 chung cư cấp D (nguy hiểm).

Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố và các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư thống nhất bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ.

Hiện Thành phố có 474 chung cư xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới. Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng 246 chung cư cũ.

(Nguồn: baoquocte.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *