Bộ trưởng GTVT: ‘Trải thảm’ mời các nhà đầu tư vào làm cảng biển

Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức.

Tại hội nghị trực tuyến công bố về quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều ngày 7/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết các địa phương cần phối hợp với bộ để “trải thảm” mời gọi các nhà đầu tư rót vốn xây dựng cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế-xã hội.

“Quy hoạch là vấn đề quan trọng nhất đối với ngành giao thông vì nếu quy hoạch tốt và được ban hành trước sẽ có định hướng phát triển. Trong lịch sử ngành giao thông, chưa có giai đoạn nào làm tốt và làm đồng thời quy hoạch như thời gian này,” Bộ trưởng Thể khẳng định.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết sẽ đề xuất cơ chế đặc thù lên Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào cảng biển, tạo tiền đề phát triển cho đất nước.

“Trong quá trình thực hiện, địa phương nếu có vướng mắc cần phối hợp với bộ để hệ thống hạ tầng cảng biển hoàn thành tốt nhất,” Tư lệnh ngành giao thông nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị trực tuyến công bố về quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, quá trình lập quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.

“Quy hoạch đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Đây là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030,” Thứ trưởng Sang nhấn mạnh.

Cụ thể, quy hoạch đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại và phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.

Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.

Quy hoạch cũng ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Đặc biệt, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách, chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

(Nguồn: www.vietnamplus.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *