Hiện nay, theo luật pháp Việt Nam có 4 loại sổ đang được lưu hành và sử dụng bao gồm: sổ hồng, sổ đỏ, sổ xanh và sổ trắng. Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn đọc cách đọc thông tin trên sổ đỏ, sổ hồng theo mẫu mới nhất năm 2021, số sổ đỏ nằm ở đâu, những phần nào cần chú ý khi đọc sổ đỏ
Cấu trúc chung của giấy chứng nhận sử dụng đất theo mẫu 2021
Trang bìa:
- Được in màu hồng nhạt với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất (Mẫu hiện hành) thay cho các giấy chứng nhận bìa màu đỏ đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và màu hồng sẫm đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
- Quốc hiệu, quốc huy và tên sổ được in trên nền màu tương ứng như trên
- Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất
- Số phát hành Giấy chứng nhận gồm 2 chữ cái tiếng Việt và 6 chữ số cùng dấu nổi của Bộ tài nguyên và Môi trường hay gọi tắt là số sổ đỏ, sổ hồng
Trang 2: bao gồm các thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như tên tài sản, địa chỉ, diện tích, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, ghi chú,… và số vào sổ cấp GCN nằm ở góc trái cuối trang hay nói cách khác là số sổ đỏ
Trang 3: bao gồm sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như chiều dài, chiều rộng, hướng lô đất, tỷ lệ quy hoạch, Bảng tọa độ thửa đất (Sẽ có sổ có hoặc không có phần này, lý do tại sao xin xem thêm ở cuối bài) và Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận
Trang 4: bao gồm tiếp nội dung tại mục những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận, nội dung lưu ý và mã vạch
Hiểu ý nghĩa mã vạch trên sổ đỏ, sổ hồng giúp phân biệt sổ đỏ giả và thật
Các thông tin cần lưu ý khi đọc thông tin trên sổ đỏ, sổ hồng
Đọc thông tin chủ sở hữu tài sản trên sổ đỏ, sổ hồng
Việc đầu tiên khi xem sổ đỏ hay sổ hồng là chú ý tới người đứng tên sổ tại mục người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi ngay trên trang bìa và phần chú thích tại mục IV của giấy chứng nhận nhằm mục đích là xem giấy chứng nhận đó đã được chuyển nhượng, sang tên cho chủ sở hữu khác không
Sang tên sổ đỏ, sổ hồng
Khi xem thông tin chủ sở hữu tài sản thì bạn cần chú ý tới một số vấn đề sau:
- Xác định được chủ sở hữu quyền sử dụng đất được ghi ở trang bìa
- Đối chiếu giấy tờ cá nhân và thông tin trên giấy chứng nhận có khớp với nhau không
- Xác định xem sổ cá nhân gia đình 2 vợ chồng đứng tên. Sổ hộ gia đình có chung 1 người đại diện và kèm theo phần ghi chú là tài sản chung của hộ gia đình. Sổ đỏ chung. Sổ của người dưới 18 tuổi sẽ có thông tin người giám hộ ngay trang bìa
Mẫu phôi giấy chứng nhận hay Số vào sổ giấy chứng nhận – Số sổ đỏ, sổ hồng
Kể từ ngày 10/12/2009 đến nay, Chính phủ đã áp dụng chung một mẫu sổ cho cả 2 loại bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) và giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (Sổ hồng đậm) thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng cánh sen)
Phía góc dưới của trang bìa chính là số phôi hay thường gọi là số sổ đỏ, sổ hồng. Nhà nước in mẫu xong sẽ gửi về từng địa phương. Sau đó, chính quyền địa phương cấp sổ cho ai thì địa phương sẽ theo dõi dựa theo số phôi đã được cấp trên sổ đó
Số phôi này sẽ được ghi ở cả trang bìa và trang 2 của sổ tại mục “số vào sổ cấp giấy chứng nhận” (thường được ghi cuối trang thứ 2 của cuốn sổ)
Thông qua số vào sổ cấp giấy chứng nhận này, bạn cũng có thể biết được nơi cấp Giấy chứng nhận đó
Ví dụ: Trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu thì chữ ký và con dấu là của UBND cấp huyện; Số vào sổ cấp GCN: CH00000 ( trong đó hai chữ cái CH là cấp huyện và năm chữ số )
Với trường hợp cấp đổi, cấp lại, cấp khi chuyển quyền sử dụng thì chữ ký và con dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường; Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận: CSxxxxx ( trong đó CS là cấp Sở và năm chữ số )
Thông tin thửa đất
Khi xem thông tin thửa đất bạn sẽ cần đọc các thông tin tại mục II và III của sổ
- Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ và địa chỉ thửa đất
- Diện tích được công nhận và không được công nhận. Phần diện tích được phép xây dựng. Hoặc diện tích đất lưu thông, phần diện tích sử dụng chung hoặc ngõ đi chung
- Xác định được chiều dài, chiều rộng thực tế của thửa đất trên sổ
- Xác định hướng của thửa đất. Mặc định, các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc sẽ tương ứng với các cạnh của giấy chứng nhận: Cạnh trên sẽ là hướng Bắc và các hướng còn lại sẽ tương ứng với các cạnh còn lại của Giấy chứng nhận.
- Xác định hình thức sử dụng, mục đích sử dụng và thời gian sử dụng
- Xác định được tài sản gắn liền với đất
- Xác định được nguồn gốc sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng đất. Ví dụ: mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, đất sản xuất kinh doanh DVTM thì nguồn gốc sử dụng sẽ là giao đất có thu tiền sử dụng đất
Thông tin nhà ở
Xem thông tin nhà ở bạn sẽ chỉ cần chú ý tới các thông tin tại mục II của sổ với các hạng mục như:
- Địa chỉ nhà ở
- Diện tích xây dựng là diện tích nhà được xây dựng trên thửa đất
- Diện tích sàn là diện tích mặt bằng xây dựng (Nếu xây đủ thì tính bằng diện tích xây dựng x số tầng)
- Kết cấu
- Cấp (hạng): cấp 2, cấp 3 hay cấp 4
Tìm hiểu quy định về nhà cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5 theo quy định Nhà nước
Phân biệt sổ hồng sở hữu 50 năm và sổ hồng sở hữu lâu dài
Thông tin quy hoạch
Xem thông tin quy hoạch tại mục III của giấy chứng nhận là cách làm cơ bản nhất tuy nhiên cách này sẽ không thể cập nhật theo tình trạng quy hoạch thực tế. Bạn có thể chú ý tới một số chi tiết như sau:
- Xem thông tin quy hoạch ở phần ghi chú bao gồm cả các thông tin đến bù nếu nằm trong vùng quy hoạch
- Xác định phần diện tích nằm trong vùng quy hoạch, thường là mục bị gạch chéo tại mục III sơ đồ thửa đất
- Xem thông tin quy hoạch bằng cách căn cứ vào tọa độ và sử dụng phần mềm
Hướng dẫn tra cứu thông tin quy hoạch
Nội dung phần ghi chú điều 6 của mục II
Đây là phần ghi chú quan trọng nên được lưu ý khi xem sổ đỏ, sổ hồng
- Phần ghi chú này thường ghi nhận chuyển nhượng từ giấy chứng nhận nào, từ khi nào, do cơ quan nào cấp, đất có vướng quy hoạch không,…
- Hoặc được mua bán theo điều lệ tại ND 61
Đọc thông tin trên sổ đỏ, sổ hồng về các lưu ý khác tại mục IV
Khi có các thông tin bổ sung về tài sản sẽ được ghi trong mục IV. Một số thông tin có thể xuất hiện bao gồm:
- Ghi thông tin bị hạn chế như hạn chế quyền chuyển nhượng,…
- Ghi các thông tin về nghĩa vụ tài chính, sang nhượng được không hoặc tình trạng thế chấp, có thể vay thế chấp ngân hàng không,…
- Ghi các thông tin về sang nhượng, chuyển đổi chủ sở hữu
- Ghi thông tin thay đổi mục đích sử dụng đất
- Ghi các thông tin sửa đổi giấy chứng nhận
Một số giấy tờ bổ sung đính kèm theo sổ
Một số giấy chứng nhận sẽ được đính theo một số giấy tờ ở trang cuối cùng có thể là:
- Giấy thế chấp ngân hàng, quá trình vay và trả ngân hàng
- Ghi chú hoàn công giá trị xây dựng nhà
* Tọa độ giúp xác định chỉ giới, ranh mốc thể hiện tính chính xác trong việc xác định thửa đất được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi đơn vị quản lý địa chính, cấp giấy chứng nhận phải cập nhận đầy đủ bản đồ hiện trạng địa chính đất đai thuộc khu vực quản lý, giải thửa từng khu đất thật chính xác, tỷ lệ cụ thễ thì mới có thể xác định tọa độ từng thửa đất được. Do vậy, có nơi cấp giấy thể hiện tọa độ nhưng có nơi chưa thể hiện phù thuộc vào hạ tầng, dữ liệu, điều kiện và khả năng quản lý.