Đây là nhận định chung của các bộ, sở ngành và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giao thông khi nói về dự án đường Vành đai 3 trong hội thảo “Dự án đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM” diễn ra chiều 11-3 tại TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nhấn mạnh dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả vùng.
Theo ông Phúc những lợi ích mà công trình này mang lại như giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế qua việc giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu) thoát khỏi tắc nghẽn.
Điểm nghẽn xuất phát từ hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó chi phí logistic cao, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị, đặc biệt là TP.HCM thường xảy ra. Những điểm nghẽn đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng mức độ chuyển biến chưa tương xứng.
Hệ thống đường vành đai đang được quy hoạch, trong đó điểm nhấn là Vành đai 3 sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của TP.
Ngoài ra còn kết nối TP với các tỉnh lân cận, rút ngắn thời gian di chuyển, giúp hoạt động vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhanh hơn.
Lợi ích tiếp theo được ông Phúc đưa ra là thông qua tuyến Vành đai 3, TP.HCM sẽ có sự kết nối xuyên suốt với các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Thủ Đức. Từ tuyến đường này sẽ mở rộng ra kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á.
Vành đai 3 còn là vành đai cao tốc liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Trung Lương.
Hoàn thành dự án này là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, giảm ùn tắc giao thông khu vực.
“Hiện tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Hội đồng thẩm định và Chính phủ thông qua, chúng tôi đợi trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 5.
Về tiến độ dự án sẽ cố gắng hoàn thành các thủ tục năm 2022, đến năm 2023 sẽ là cao điểm giải phóng mặt bằng và khởi công một số hạng mục. Đến năm 2025 cuối năm 2026 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến, 2026 hoàn chỉnh các hạng mục còn lại”, ông Phúc nói.
“Không có giao thông thì không có gì cả” là nhận định của PGS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khi nói về lợi ích của đường Vành đai 3 và các dự án giao thông mang lại.
“Điều thần kỳ sẽ xảy ra khi dự án hoàn thành. Chỉ cần đặt ra là thấy tính hiện thực không thể bàn cãi. Sự phát triển về mặt kinh tế của TP.HCM cao tới mức nào thì đất nước phát triển tới mức đó.
Ngoài ra dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho TP.HCM hay vùng này mà cho cả đất nước đi lên. Then chốt để phát triển là giao thông, hạ tầng. Không có giao thông thì chả đi đâu được, không có gì cả.
Cả vùng tăng trưởng chậm là vì giao thông, dự án là một điều mong mỏi quá lâu. Xong dự án này thì cần bàn rộng ra hơn nữa, một vành đai không giải quyết vấn đề”, ông Thiên phân tích.
Còn TS Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết rất trăn trở về việc nghẽn hạ tầng làm kinh tế vùng không phát triển. Điều này rất hại, chậm giao thông kết nối ngày nào thì thiệt hại thêm ngày đó.
“Nhiều năm nghiên cứu tôi đã hình dung một vành đai công nghiệp trải dài qua nhiều tỉnh vùng kinh tế phía Nam. Vành đai hình thành trung tâm công nghiệp không chỉ cho Việt Nam mà khu vực, gắn với nhiều cụm cảng. Chúng ta nhìn thấy nhưng phát triển được phải có hạ tầng giao thông kết nối.
Dự án sẽ giúp vùng tứ giác (TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Long An) phát triển thành cực tăng trưởng mạnh. Có làm thì kinh tế vùng mới phát triển nếu không chỉ nói cho vui”, ông Lịch phát biểu.
Cũng theo ông Lịch, các vùng đô thị tại TP.HCM đã hình thành nhưng chưa gắn kết được. Đô thị không phát triển vì không có giao thông kết nối.
Nghẽn giao thông còn gây khó cho doanh nghiệp khi họ chịu chi phí rất cao. Muốn hỗ trợ thì cách hỗ trợ lớn nhất là đầu tư để các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển chứ không nói miệng. Có doanh nghiệp chia sẻ chở hàng từ cảng Thị Vải – Cái Mép đi Tây Ninh còn mắc hơn đưa hàng từ Trung Quốc về cảng Cái Mép.
Về kinh phí thực hiện các dự án, ông Lịch cho rằng tận dụng quỹ đất đô thị rất quan trọng, khai thác được thì chi phí làm các công trình không vấn đề gì. “Tôi rất mừng vì 4 địa phương ngồi lại chặt chẽ như lúc này. Giờ chỉ còn là vấn đề triển khai như thế nào? Chỉ định thầu ra sao? Xin phép sao làm đúng như vậy, không xin gì thêm”, ông Lịch kết lại.
Sự đồng thuận là then chốt
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định cái đáng mừng các tỉnh có sự đồng thuận để hành động dứt khoát, phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên có được chủ trương đầu tư là bước đầu sau đó còn nhiều việc phải làm. Khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, các bên liên quan phải có kế hoạch để triển khai, cố gắng rút ngắn thời gian các khâu.
Chúng ta cần tập trung nghiên cứu đầu tư và xứng đáng với câu nói “Giao thông đi trước tạo động lực phát triển”. Dự án là nguồn động viên rất lớn không chỉ với ngành GTVT mà còn với các địa phương.
Ngành giao thông có những chương trình hành động, cụ thể hóa trong lĩnh vực phát triển hạ tầng. Không chỉ Vành đai 3 của TP.HCM mà Vành đai 4 của Hà Nội cũng được triển khai gấp rút. Tất cả đang cố gằng hoàn thành trong nhiệm kỳ này.
Khu vực phía Nam hiện nay không chỉ chú trọng đường Vành đai 3 mà hàng loạt dự án trọng điểm cũng được triển khai và phấn đấu đúng tiến độ.